VIDEO GIỚI THIỆU VỀ THÀNH PHỐ NGÃ BẢY

Thành phố Ngã Bảy

Ngã Bảy là một thành phố thuộc tỉnh Hậu Giang, Việt Nam.

Thành phố Ngã Bảy là nơi gặp nhau của bảy dòng kênh (Cái Côn, Quản Lộ – Phụng Hiệp, Lái Hiếu, Mang Cá, Mương Lộ, Xẻo Dong, Xẻo Môn), đồng thời là đầu mối giao thông thủy quan trọng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Ngã Bảy nằm giữa các trục giao thông quan trọng như: Quốc lộ 1, đường Quản Lộ – Phụng Hiệp, đường tỉnh 927, đường tỉnh 927C nối với đường Nam Sông Hậu… tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế cho địa phương.

Hiện nay, thành phố Ngã Bảy là đô thị loại III, là trung tâm kinh tế – văn hóa – xã hội, đầu mối giao thông chính thứ hai của tỉnh Hậu Giang sau thành phố Vị Thanh.

Địa lý

Img 20231221 065044 11zon

Vòng xoay trung tâm

Thành phố Ngã Bảy nằm ở phía đông bắc tỉnh Hậu Giang, ven kênh Phụng Hiệp, có vị trí địa lý:

  • Phía đông giáp huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng
  • Phía tây và phía nam giáp huyện Phụng Hiệp
  • Phía bắc giáp huyện Châu Thành.

Thành phố Ngã Bảy cách thành phố Vị Thanh, tỉnh lỵ tỉnh Hậu Giang khoảng 60 km (đường Quốc lộ). Ngã Bảy có những đặc điểm thuận lợi về vị trí địa lý và điều kiện phát triển giao thông, giao thương. Ngã Bảy nằm trên tuyến Quốc lộ 1, giữa trung tâm thành phố Cần Thơ và thành phố Sóc Trăng (mỗi thành phố cách Ngã Bảy khoảng 30 km). Ngã Bảy là điểm đầu của tuyến Quốc lộ Quản Lộ – Phụng Hiệp nối liền thành phố Ngã Bảy với thành phố Cà Mau, tương lại nằm trong trục của tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Cần Thơ – Cà Mau.

Địa hình, địa mạo

Thành phố có địa hình tương đối bằng phẳng nằm ở độ cao phổ biến từ 0,3 – 1,0m so với mực nước biển, bị chia cắt bởi nhiều sông, kênh, rạch và có xu hướng thấp dần từ Bắc xuống Nam, từ Đông và Tây có hướng thấp dần vào giữa thành phố, trong thời gian qua do quá trình đô thị hoá mạnh nên nền địa hình ngày càng được nâng cao.

Hành chính

Thành phố Ngã Bảy có 6 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm 4 phường: Hiệp Lợi, Hiệp Thành, Lái Hiếu, Ngã Bảy và 2 xã: Đại Thành, Tân Thành với 40 ấp, khu vực.

Đơn Vị Hàng Chính Tp Ngã Bảy Tỉnh Hậu Giang

Bản đồ hành chính thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang

Danh sách các đơn vị hành chính trực thuộc thành phố Ngã Bảy
Tên Diện tích (km²) Dân số (người) Mật độ (người/km²)
Phường (4)
Hiệp Lợi 14,05 9.435 671
Hiệp Thành 11,48 11.049 962
Lái Hiếu 10,05 9.826 977
Ngã Bảy 3,62 13.564 3.746
Xã (2)
Đại Thành 23,75 11.537 485
Tân Thành 15,20 6.358 418

Bảy dòng kênh lịch sử

Bảy dòng kênh tạo nên nét đẹp đặc trưng của Ngã Bảy đã được thực dân Pháp lên kế hoạch đào từ những năm đầu thế kỷ XX cho đến 1915 thì hoàn thành. Các con kênh đã biến một vùng đất lau sậy trở nên màu mỡ và sung túc, bắt đầu cho sự phát triển phồn thịnh của Ngã Bảy – Phụng Hiệp từ ngày ấy cho đến tận bây giờ.

Theo thứ tự có thể liệt kê về tên gọi và lịch sử của các dòng kênh như sau:

  • Kênh Mương Lộ: Nối từ Ngã Bảy đi Sóc Trăng (ở TP. Sóc Trăng có tên gọi là sông Maspero) được đào khoảng năm 1901 – 1905 dài khoảng 30 km. Khi đào con kênh này, người Pháp đã dùng đất đấp lộ Đông Dương đi Sóc Trăng dọc theo bờ kênh (nay là Quốc lộ 1 đoạn Ngã Bảy – Sóc Trăng) nên vì thế có tên gọi là Mương Lộ.
  • Kênh Xẻo Vông: Nối từ Ngã Bảy đi về hướng Cần Thơ cặp theo lộ Đông Dương (nay là Quốc lộ 1 đoạn Ngã Bảy – Cần Thơ) con kênh được đào mở rộng vào những năm 1908 – 1912 từ một con rạch nhỏ vốn sơ khai có nhiều cây vông nước nên gọi là Kênh Xẻo Vông.
  • Kênh Xẻo Môn: Nối từ Ngã Bảy đi Hòa Mỹ hòa vào các con kênh khác tạo tuyến đường đi đến những cánh đồng rộng lớn bên trong như: Rạch Gòi, Kinh Cùng,… Con kênh sơ khai có nhiều cây môn nước nên được gọi là Xẻo Môn.
  • Kênh Mang Cá: Nối từ Ngã Bảy đi Kế Sách tỉnh Sóc Trăng, từ đó hòa vào sông Kế Sách ra sông Hậu có thể đi các vùng lân cận phía Cù Lao Dung, Trà Vinh,… Đầu kênh được đào ngay sát bên cạnh cầu Quay Phụng Hiệp ngày xưa những vị trí như vậy được gọi là mang cá cầu, nên kênh được gọi là Mang Cá.
  • Kênh Cái Côn: Nối từ Ngã Bảy ra sông Hậu, là con kênh chính và quan trong nhất của hệ thống dẫn nước từ sông Hậu rồi tỏa ra các dòng kênh còn lại đi vào nội đồng. Kênh đổ ra sông Hậu tại chợ Cái Côn nên có lẽ vì thế được gọi là kênh Cái Côn.
  • Kênh Quản lộ – Phụng Hiệp: Nối từ Ngã Bảy đi Cà Mau, đây là con kênh dài nhất trong hệ thống với chiều dài lên đến 140 km mang nước sông Hậu đến với vùng bán đảo Cà Mau rộng lớn. Kênh được đào từ Ngã Bảy xưa là chợ Phụng Hiệp đến Cà Mau tiếp giáp với kênh Quản lộ chảy về tới TP. Cà Mau nên được gọi là Quản Lộ – Phụng Hiệp. Ngày nay dọc theo con kênh là tuyến quốc lộ Quản Lộ – Phụng Hiệp điểm đầu tại TP. Ngã Bảy điểm cuối tại TP. Cà Mau rút ngắn đoạn đường từ Cần Thơ đi Cà Mau đến 40 km.
  • Kênh Lái Hiếu: Nối từ Ngã Bảy đi Long Mỹ từ đây hòa vào sông Nước Đục ra Sông Cái Lớn để đi về hướng Gò Quau, Miệt Thứ, Rạch Giá,… Kênh được đặt theo tên của một lái buôn trong vùng tên Hiếu nên được gọi là kênh Lái Hiếu.

Có một con kênh nhỏ được đào phía mang cá cầu đối điện với Kênh Mang Cá được người dân trong vùng gọi là Kênh Lò Heo nối từ Ngã Bảy đi đến Phú Hữu, Mái Dầm hòa vào Kênh Nàng Mau. Dòng kênh này hiện tại cũng đi ngang qua trung tâm của 2 xã duy nhất của TP. Ngã Bảy là Đại Thành và Tân Thành, tuy nhiên do quy mô nhỏ nên không được tính thành một ngã trong hệ thống của kênh đào của Ngã Bảy xưa. Ngày nay điểm đầu dòng kênh đang thu hẹp dần do hiện tượng bồi lắp phù sa và không được nạo vét nên vào mùa khô nếu đi theo dòng kênh này sẽ không đi được đến Ngã Bảy mà phải rẽ sang một hướng khác ra kênh Cái Côn rồi đi tiếp tới Ngã Bảy.

Tại điểm giao nhau của các dòng kênh là các mỏm đất nhô ra gọi là Doi. Có doi Chợ là mỏm đất tại chợ Ngã Bảy ngày nay; Doi Đình nằm giữa Xẻo Môn và Xẻo Vông có một ngôi đình cổ mang tên Đình thần Phụng Hiệp nằm ngay đầu doi; Doi Cát nằm giữa kênh Cái Côn và Kênh Mương Lộ xưa có nhiều đụn cát, nơi đây xưa được trồng hiều hoa màu nên gọi còn được gọi là xóm rẫy nơi được nhắc đến trong bài vọng cổ Tình anh bán chiếu của cố Soạn giả NSND Viễn Châu: “Tôi vác đôi chiếu bông từ dưới ghe lên xóm rẫy chiếc áo nhuộm bùn đã lấm tấm giọt mồ hôi”; Doi Chành nằm giữa kênh Mương Lộ và kênh Quản lộ Phụng Hiệp xưa có nhiều chành lúa (Vựa thu mua, lưu trữ, vận chuyển lúa); Doi Tân Thới Hòa giữa kênh Quản lộ – Phụng Hiệp và kênh Lái Hiếu được đặt tên theo một hiệu buôn có tiếng ngày xưa tại mỏm đất này.

Du lịch

  • Di tích Khu liên hiệp đình chiến Nam Bộ (Di tích lịch sử cấp Quốc gia)
  • Chợ nổi Ngã Bảy
  • Làng nghề đan cần xé
  • Làng nghề đóng ghe xuồng
  • Làng nghề hầm than gỗ
  • Vườn dâu Thiên Ân
  • Già Lam Cổ Tự.

Nguồn: Ngã Bảy – Wikipedia tiếng Việt